Chị N.T.Trinh, một Việt kiều Mỹ, làm nghề nail, do ngón tay trỏ của chị mọc một mụn cóc nên nhiều người e dè làm chị mất khá nhiều khách. Mới đây nhân dịp về thăm nhà, chị quyết định vào bệnh viện đốt mụn cóc. Thế nhưng sau 2 ngày đốt mụn cóc, vết thương bị sưng và đau nhức. Chị không dám quay lại chỗ đốt mụn cóc và đến bệnh viện khác khám và điều trị. Qua phim X-quang, chị Trinh biết được do đốt mụn cóc quá sâu nên bị đứt dây gân. Chị đã được điều trị bằng cách cắt một khúc gân ở cườm tay để nối vào ngón tay bị đứt gân. Song hiện tại, ngón tay này đã không cử động được. Đầu ngón tay thì phình to ra, còn ngón 2 lóng phía trong thì teo lại. Bàn tay thì rất yếu, chỗ cườm tay không làm mạnh được.
BS. Lê Đức Thọ, trưởng khoa da liễu, BV Hoàn Mỹ TP.HCM đã giải thích vấn đề nêu trên như sau:
Mụn cóc là những u nhỏ tăng sản lành tính của lớp thượng bì, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi virus HPV (human papilloma virus). HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài. Mụn cóc có thể phát triển trong nhiều tháng mới nhìn thấy được. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc phải ở trẻ em cao hơn vì chúng hiếu động và thường xuyên làm trầy xước chân tay, hay đi chân không, cắn móng tay, nghịch đất cát, lê la dưới đất... Virus HPV thường sống ở những nơi ấm - ẩm nên việc đi chân đất ở những nơi này sẽ dễ bị mụn cóc bàn chân hơn. Làm móng, cắt khóe móng chân, tay... cũng là nguyên nhân thường gây mụn cóc ở người lớn (nhất là phụ nữ). Bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch như khi bị ung thư máu, lymphoma hay nhiễm HIV/AIDS dễ bị mụn cóc và thường lâu khỏi.
Một số trường hợp mụn cóc bàn chân có thể tự biến mất sau nhiều tháng hay nhiều năm, nhưng đa số vẫn tồn tại. Vì vậy, khi chúng phát triển nhiều, to, đau, chảy máu khi va chạm, làm khó chịu, mất thẩm mỹ thì cần phải điều trị.
Các phương pháp điều trị mụn cóc phổ biến hiện nay:
Đốt điện (electrosurgery): áp dụng cho các mụn cóc dưới 1 cm hay ở vị trí khó tiểu phẫu (ví dụ, ở kẽ ngón chân, tay). Mụn cóc sẽ được giải phẫu lấy đi bằng dòng điện cao tần.
- Ưu điểm của đốt điện là tiến hành nhanh chóng, đơn giản, rẻ tiền và có thể khoét sâu lấy hết nhân mụn cóc.
- Khuyết điểm là thời gian lành vết thương lâu, chăm sóc vết thương phải kỹ, dễ bị nhiễm trùng (vì vết thương hở)...
Tiểu phẫu: áp dụng cho mụn cóc có kích thước dưới 2 cm và ở vị trí bằng phẳng (gót chân, cạnh bàn chân, lòng bàn chân...).
- Ưu điểm của tiểu phẫu là thời gian lành vết thương nhanh (so với đốt điện), chăm sóc vết thương sau mổ dễ dàng, ít nguy cơ nhiễm trùng (vết thương kín) nhưng dễ bị tái phát vì không lấy hết nhân mụn cóc, có thể để lại sẹo...
Bleomycin tiêm tại chỗ hoặc Interferon: được dùng trong các trường hợp mụn cóc khó điều trị.
Trong một số trường hợp, người ta ghi nhận được rằng có khi chỉ cần điều trị “mụn cóc mẹ”, vài tuần sau các “mụn cóc con” bỗng nhiên tự biến mất không cần phải can thiệp.
Riêng trường hợp của chị N.T.T, do chúng tôi không được xem bệnh trực tiếp nên không thể kết luận gì được. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật ngoại khoa do đó cũng có thể xảy ra những biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng hay tổn thương đến những cơ quan kế cận. Tốt nhất chị T. nên trở lại nơi điều trị ban đầu để được bác sĩ chăm sóc vết thương và có hướng xử lý phù hợp.